Thất ngôn, hay rối loạn ngôn ngữ, là di chứng nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, di chứng thất ngôn này hoàn toàn có thể cải thiện nếu kiên trì tập luyện đúng cách với sự hỗ trợ của chuyên gia ngôn ngữ trị liệu và sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè.
1. Thất ngôn do đột quỵ là hiện tượng gì?
Thất ngôn do đột quỵ, hay còn gọi là rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ, là hiện tượng bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, đọc hoặc viết do tổn thương vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ. Thất ngôn là một trong những di chứng phổ biến và nghiêm trọng của đột quỵ, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng giao tiếp và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây ra thất ngôn sau đột quỵ
Thất ngôn do đột quỵ thường xảy ra khi đột quỵ gây tổn thương các vùng não như vùng Broca và Wernicke, là những khu vực quan trọng liên quan đến khả năng ngôn ngữ. Đột quỵ có thể làm gián đoạn lưu lượng máu đến những vùng này, gây ra các tổn thương tế bào não và ảnh hưởng đến chức năng ngôn ngữ.
3. Bài tập dành cho người bị thất ngôn do đột quỵ
Tập Nói Tự Nhiên
Người bị thất ngôn có thể tập nói tự nhiên bằng cách đếm số, đánh vần bảng chữ cái, hoặc đọc ngày tháng năm.
Tập Nói Các Câu Từ Đơn Giản
Bệnh nhân đột quỵ nên luyện tập các câu từ đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày như: cốc, chén bát, thìa, tivi, điện thoại, uống nước, ăn cơm, đi vệ sinh, đi tắm, gọi tên các thành viên trong gia đình. Việc này giúp giảm bớt tình trạng tự ti và bức xúc giải quyết nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Tập Tìm Từ Đối Nghĩa
Người thân có thể đưa ra một số từ để bệnh nhân thất ngôn tìm từ đối nghĩa. Ví dụ: nóng – lạnh, lên – xuống, xa – gần. Bài tập này giúp bệnh nhân luyện tập phản xạ ngôn ngữ nhanh hơn.
Từ Ngữ Mô Tả Vật, Người
Người thân giúp mô tả một vật để bệnh nhân tìm tên phù hợp. Ví dụ: cái gì dùng để treo quần áo, cái gì dùng để xúc cơm. Nếu bệnh nhân thất ngôn gặp khó khăn trong việc nói tên đồ vật, hãy hướng dẫn họ dùng cử chỉ hoặc hành động để diễn đạt.
Tập Đọc Từ Ngắn Đến Từ Dài
Cho bệnh nhân tập đọc từ ngắn đến từ dài dần. Khi khả năng đọc cải thiện, có thể cho họ đọc sách, báo.
Bộ não con người sau đột quỵ tuy bị tổn thương nhưng vẫn có khả năng thích nghi và tiếp thu các kỹ năng mới để tiếp tục duy trì cuộc sống. Vì vậy, nếu cố gắng tập luyện chăm chỉ và đều đặn, người bệnh thất ngôn sẽ có cơ hội tìm lại khả năng giao tiếp của mình và quay trở lại cuộc sống trước đột quỵ.